Phần 1 trong hai video về cấu trúc câu trong tiếng Anh.
Bài này sẽ nói về cấu trúc của chủ ngữ, cụ thể là nói về những thành phần trong chủ ngữ, cùng với vị trí và chức năng của những thành phần này.
Xin chào các bạn.
Trong video này mình sẽ nói về cấu trúc của một câu trong tiếng Anh. Một câu trong tiếng Anh bao gồm những thành phần chính nào? Những thành phần này đóng vai trò gì trong câu? Vị trí của chúng trong câu như thế nào? Biết được những kiến thức này thì khả năng hiểu và sử dụng tiếng Anh của các bạn trở nên tốt hơn rất nhiều. Từ đó, kỹ năng làm bài TOEIC của các bạn cũng được nâng cao, đặc biệt là trong phần đọc. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem một câu tiếng Anh bao gồm những thành phần nào.
Câu tiếng Anh, cũng như câu tiếng Việt, luôn luôn có hai thành phần chính: chủ ngữ và vị ngữ. Trừ những câu đặc biệt ra, đa số thì sẽ có hai thành phần chính này.
Chủ ngữ là thành phần làm chủ của câu, và câu sẽ nói về thành phần này. Do chủ ngữ chỉ một cái gì đó trong câu, nên nó đồng thời cũng là một cụm danh từ. Nó có thể là một cụm gồm nhiều từ khác nhau, nhưng chung quy nó đóng vai trò của một danh từ, tức là nó chỉ một cái gì đó.
Còn vị ngữ là gì? Nó là thành phần đem lại mùi vị cho một câu. Tức là nó làm mùi vị và mô tả cho chủ ngữ. Nó nêu lên hành động hay tính chất của chủ ngữ. Ta thấy vị ngữ đồng thời cũng là một cụm động từ. Nó có thể là nhiều từ ghép lại với nhau thành một cụm, nhưng chung quy nó hoạt động như một động từ, chỉ một hành động nào đó.
Trong bài này, trước tiên, chúng ta sẽ cùng xét xem là cụm danh từ bao gồm những thành phần nào.
Đầu tiên, chúng ta cần có một từ làm nhân vật chính trong cụm danh từ này. Tức là thành phần quan trọng nhất.
Các bạn có thể tưởng tượng cụm danh từ giống như một hệ mặt trời. Nó có một mặt trời ở chính giữa và xung quanh là các hành tinh. Các hành tinh này vây quanh mặt trời và mô tả cho mặt trời này, và chúng phụ thuộc vào mặt trời. Mặt trời của cụm danh từ là một danh từ chính. Ví dụ trong câu muốn nói về con mèo thì danh từ chính là cat.
Vệ tinh đầu tiên của chúng ta có thể là một danh từ đứng phía trước mô tả cho chữ cat. Ví dụ như house. House và cat đều là danh từ. Và house bổ nghĩa cho cat. Tức con mèo này là “con mèo nhà”, không phải là mèo hoang. Cái này được gọi là danh từ ghép. Các bạn có thể gặp trường hợp giống như là student book – cuốn sách dùng cho học sinh. Student bổ nghĩa cho book.
Vệ tinh tiếp theo có thể có là một tính từ đứng phía trước, mô tả danh từ chính của chúng ta. Ví dụ như chữ beautiful là một tính từ, nó mô tả và nêu tính chất của con mèo: “con mèo đẹp”.
Tính từ này có thể có một trạng từ đứng phía trước nữa. Ví dụ như: really beautiful house cat. Bài trước mình đã có nói trạng từ đóng vai trò là gì rồi. Chữ really này là một vệ tinh không phải mô tả cho danh từ chính, nhưng nó mô tả cho chữ beautiful. Nó là vệ tinh của chữ beautiful.
Trước đó nữa, chúng ta có một loại từ gọi là từ hạn định (các bạn có thể coi lại bài trước). Một từ hạn định như chữ my giúp xác định con mèo này là con mèo của ai. Từ hạn định này cũng là một vệ tinh nó mô tả cho danh từ chính của chúng ta.
Đây là những từ đứng trước danh từ chính.
Vậy còn đứng phía sau danh từ chính chúng ta sẽ có gì? Thứ nhất, bây giờ mình muốn nói là con mèo này nó ở đâu? Thì có một loại từ để chỉ mối quan hệ thời gian hay nơi chốn, hay là mối quan hệ với một cái gì đó, được gọi là giới từ (các bạn có thể coi lại bài trước). Ví dụ muốn nói con mèo này “ở trên giường” thì mình nói là on the bed. Đây là một cụm giới từ, bao gồm một giới từ ở phía trước là on và một cụm danh từ ở phía sau là the bed. Cụm giới từ on the bed này bám vào phía sau mặt trời chính là cat. Nó mô tả cho danh từ chính.
Chúng ta còn có thể có một thành phần gọi là mệnh đề quan hệ, bắt đầu bằng những đại từ quan hệ như which, who, when…
Mình muốn nói sơ qua về mệnh đề quan hệ. Thế nào là mệnh đề quan hệ?
Có ba con mèo mình đã vẽ sẵn đây. Ví dụ, con mèo ở giữa nó vừa ngủ, nó vừa cười. Hai con mèo hai bên không ngủ và không cười.
Bây giờ nếu mình muốn nói câu the cat smiles – “con mèo cười”. Có ba con mèo lận nên mình không biết con nào cười. Cho nên, mình muốn nói rõ là con mèo ngủ nó mới cười, chứ không phải con mèo nào cũng cười. Do đó, mình muốn làm rõ cho the cat này, nên mình đưa thêm câu the cat sleeps vào.
Mình muốn câu the cat sleeps làm rõ cho con mèo thì mình biến chữ the cat thành đại từ quan hệ which. Chữ which thay cho the cat. “Con mèo mà nằm ngủ thì cười” – the cat which sleeps smiles. Which sleeps là một câu bám theo, giống như là một vệ tinh bám theo danh từ chính và nêu rõ cho danh từ chính, tức là làm rõ con mèo nào ngủ.
Mệnh đề quan hệ là một câu. Ở đây sleeps là một vị ngữ, một động từ. Mệnh đề quan hệ which sleeps đi theo danh từ chính và làm rõ cho danh từ chính.
Chúng ta còn có một vệ tinh phía sau danh từ chính nữa. Nhưng loại này ít gặp trong bài thi TOEIC. Nhưng nó cũng là một thành phần trong câu nên chúng ta cũng cần phải biết.
Ví dụ như a cake – “một cái bánh”. Và mình muốn nói mục đích của cái bánh này là để làm gì thì sẽ ghi như vậy: a cake to eat – “một cái bánh để ăn”. To eat là mục đích và nhiệm vụ của cái bánh này. Đó là cụm động từ nguyên mẫu có to – tức là to infinitive. Nó là một động từ ở dạng nguyên mẫu không có biến đổi gì cả. Phía trước nó có chữ to và nguyên cụm này chỉ mục đích cho danh từ – “một cái bánh để ăn”.
Hoặc ví dụ mình muốn nói “con mèo của tui dùng để ôm” – my cat to hug. To hug là một cụm động từ nguyên mẫu có to, bổ nghĩa cho danh từ chính của chúng ta là cat.
Đó là những thành phần chính trong cụm danh từ. Đồng thời chúng cũng có thể cùng nhau tạo thành chủ ngữ cho câu.
Để mình tóm gọn lại nó bao gồm những thành phần nào.
Thứ nhất là một danh từ làm nhân vật chính. Phía trước có thể có một danh từ (N) mô tả cho danh từ chính. Phía trước nữa có thể có một tính từ (Adj). Mình để trong ngoặc tức là có thể có hoặc không có cũng được. Tính từ đó mô tả cho danh từ chính. Tính từ này có thể có một trạng từ (Adv) mô tả cho nó. Phía trước nữa có thể có một từ hạn định (Determiner / Det) mô tả cho danh từ chính.
Còn phía sau thì có thể một có cụm giới từ – bao gồm một giới từ và một cụm danh từ phía sau, có thể có một mệnh đề quan hệ, hoặc có thể có một cụm động từ nguyên mẫu có to.
Một câu hỏi mà các bạn có thể đặt ra là: có bắt buộc phải có những thành phần này không? Thì mình đã trả lời là chúng nằm trong ngoặc hết – tức là không bắt buộc phải có những cái này. Vì đây là những thành phần phụ mô tả cho danh từ chính, nên có cũng được, không có cũng không sao, tùy vào nhu cầu mình muốn làm rõ cho danh từ chính như thế nào. Nhưng mà danh từ chính bắt buộc phải có vì chúng ta đang nói về nó.
Còn một câu hỏi các bạn có thể hỏi nữa là: có phải là chỉ cần một cụm giới từ ở đây hay không? Chỉ có thể có một tính từ ở đây hay không hay là nhiều cái? Câu trả lời là có thể có vô số cái cũng được. Có thể có rất nhiều tính từ ở phía trước cùng bổ nghĩa cho danh từ chính. Hoặc các bạn có thể có rất nhiều cụm giới từ ở phía sau bám theo danh từ chính. Ví dụ như trong câu ở trên này, mình muốn mô tả thêm cho cái giường – cái giường nằm giữa những cái bàn. Mình sẽ thêm vào: between the tables, là một cụm giới từ để mô tả cho cái giường. Nếu ở phía sau những cái bàn – tables, mình muốn thêm vào những cái khác nữa để mô tả cho nó thì cũng có thể được luôn.
Đó là những thành phần chính trong cụm danh từ. Bài tiếp theo chúng ta sẽ nói về cụm động từ.
thank you very much.
Cảm ơn thầy!
Thank teacher so much!
Cảm ơn Thầy
Thank you so much. It’s very useful!
Thanks so much!
Cám ơn thầy nhiều lắm !
Nhưng vì sao lại là “which sleeps”chứ ko phải “who sleeps”?
Cám ơn thầy nhiều lắm!
Vì phía trước nó là danh từ chỉ vật mà em.
bài của thầy rất hay, nếu mà thầy để bài tập phía dưới những bài giảng nữa thì quá tuyệt vời
Cảm ơn thầy ạ, xem được 2 bài mà em thấy dễ hiểu và rất thích với ví dụ của thầy do em thích mèo lắm, thầy vẽ mèo dễ thương quá
Cảm ơn thấy. Bài giảng rất logic và hay
Nhưng cho em hỏi thêm về những cụm đứng sau DT chính: Theo thấy nói có 3 cụm
1. Cụm GT 2. MDQH. 3. To Verb
Vậy giả sử khi danh từ chính của chủ ngữ có cả ba cụm này cùng đứng sau bổ nghĩa thì thứ tự của ba cụm này ta phải đặt như thế nào. Có quy tắc nào ràng buộc cái nào đưng trước cái nào sau không. Ví dụ N – (2) + (3) + (1) hay là N – (3) + (1) + (2)
Thứ tự thế nào cũng được miễn là diễn đạt được đúng điều em muốn nói và không gây hiểu nhầm nhé.
Tthầy ơi cho em hỏi là dịch từ sau tới trước phải không ạ?
Đúng rồi em. Trong một cụm danh từ là như vậy nhé.
thanks
Thầy ơi, có chỗ này em ko hiểu lắm. Ở bài trước thầy nói giới từ phải đứng trước danh từ, nhưng bài này cụm giới từ phải đứng sau danh từ, có phải 2 ý này khác nhau ko ạ? Em cảm ơn Thầy
Trong bài này thầy đâu có nói là “cụm giới từ phải đứng sau danh từ” đâu em.
Thầy chỉ nói là sau một cụm danh từ có thể có cụm giới từ thôi mà.
Vâng ạ
Em chào thầy.
Nhờ thầy giải đáp giúp em câu:
The job fair held in the City Center last week is considered the most successful one so far, with over 3000 people in attendance.
Considered là động từ chính, Vậy trước đó phải là chủ ngữ (Cụm danh từ), nhưng với câu này trước đó là một câu đầy đủ The job fair held(V) in the city center last week.
Vậy câu này đúng hay sai ngữ pháp ạ ?
Câu này vẫn đúng ngữ pháp nhé em. “Held” là mệnh đề quan hệ rút gọn, không phải vị ngữ, nên “The job fair held in the city center last week” không phải là một câu đầy đủ.
○ The job fair held in the City Center last week is considered the most successful one so far.
= The job fair which was held in the City Center last week is considered the most successful one so far.
= Hội chợ việc làm mà được tổ chức trong City Center tuần trước được xem là hội chợ thành công nhất từ trước đến nay.
Cảm Ơn Thầy
Tuyệt vời!
Tôi cũng đã lớn tuổi và đọc sách ngữ pháp thấy rối rối.
Lần đầu đọc bài của thầy tôi thấy rất trực quan, lô-gic
Xin cám ơn thầy
Hoàng
Cám ơn anh nhiều nhé!
chân thành cảm ơn
TUỔI TRẺ TÀI CAO, CẢM ƠN THẦY!
Cám ơn bạn!
Tiếng anh em còn kém, em đang tự luyện Toeic, nhờ có bài giảng của thầy, rất hay và bổ ích. Cảm ơn thầy!
Cám ơn em!
Cảm ơn thầy ạ. Học khóa online này của thầy xong hi vọng pass TOEIC.