Bài 23: khi nào chọn trạng từ?

Khi nào thì ta chọn trạng từ trong bài thi TOEIC? Nguyên tắc rất đơn giản. Mời các bạn xem video nhé.


Lời thoại của video:

Trong các bài trước, mình đã nói về hai loại vị trí hay gặp nhất trong dạng câu từ loại của bài thi TOEIC. Đó là vị trí danh từ và vị trí tính từ. Trong bài này mình sẽ nói về loại vị trí thường gặp nhiều thứ ba. Đó là vị trí trạng từ.

Trạng từ nằm ở vị trí nào trong câu thì chúng ta hãy cùng xét.

Điều đầu tiên chúng ta biết là trong một câu cần có chủ ngữ và vị ngữ mới thành một câu đầy đủ. Trong bài trước mình đã nói với các bạn rồi. Chủ ngữ chính là một cụm danh từ. Cụm danh từ chỉ “thứ gì đó”. Còn vị ngữ bắt đầu bằng một động từ. “Cái thứ đó làm hành động gì đó như thế nào đó”. Ví dụ như câu sau.

Câu này phía trước là cụm danh từ The party – “bữa tiệc”. Còn động từ là ended – “kết thúc”. “Bữa tiệc đã kết thúc”. Trong câu này, chủ ngữ là “bữa tiệc”, còn vị ngữ là “đã kết thúc”. Thì bạn thấy trong câu này nó đủ nghĩa rồi. Người ta đọc câu này thì người ta hiểu rồi: “Bữa tiệc đã kết thúc”.

Khi người ta hiểu nghĩa câu này rồi, không cần đòi hỏi gì thêm, thì người ta nói câu này đã đầy đủ các thành phần cần thiết để thành một câu. Hay nói cách khác câu này đã đúng ngữ pháp rồi.

Nhưng trong thực tế người ta ít khi nói câu đơn giản như vậy. Người ta thường có những chữ gắn vào để mô tả thêm cho câu đó. Ví dụ như người ta nói “bữa tiệc vui nhộn”, “bữa tiệc thú vị”, “bữa tiệc đông đúc”, “bữa tiệc để mừng sinh nhật”, “bữa tiệc chia tay”, v.v.

Còn đối với động từ “kết thúc”, chúng ta cũng muốn có thêm chữ để mô tả cho nó. Ví dụ như “bữa tiệc kết thúc một cách vui vẻ”, “bữa tiệc kết thúc suôn sẻ”, “bữa tiệc kết thúc ở đồn công an”.

Nó sẽ có những chữ để mô tả thêm cho câu. Mà trong một câu, nếu muốn mô tả thêm cho câu thì có 2 loại từ được người ta dùng để mô tả. Thứ nhất là tính từ, thứ hai là trạng từ.

Khi nào chúng ta dùng tính từ thì ví dụ như câu trước.

Thay vì mình muốn nói “Bữa tiệc đã kết thúc”. Giờ mình muốn mô tả thêm cho “bữa tiệc”. Mình muốn nói “bữa tiệc thành công”, “bữa tiệc diễn ra thành công” thì mình đưa tính từ succcessful vào trước danh từ “bữa tiệc” để mô tả cho nó: “bữa tiệc thành công thì nó đã kết thúc”. Đó là tính từ.

Còn khi nào chúng ta chọn trạng từ?

Ví dụ như mình muốn nói “bữa tiệc đã kết thúc một cách thành công”. Đối với hành động “kết thúc một cách thành công” thì mình dùng trạng từ để mô tả cho nó.

Thì bạn thấy, nguyên tắc là khi nào chúng ta dùng tính từ? Khi chúng ta cần một chữ để mô tả cho danh từ thì chúng ta dùng tính từ. Còn tất cả những trường hợp khác thì chúng ta dùng trạng từ để mô tả cho nó.

Ở đây ta muốn nói “bữa tiệc thành công”. Ta cần một chữ để mô tả cho “bữa tiệc” thì ta dùng tính từ successful.

Còn ở đây chúng ta cần một chữ để mô tả cho hành động “kết thúc” – “kết thúc một cách thành công”. Thì chúng ta dùng trạng từ để mô tả cho động từ.

Các bạn chú ý là trạng từ có thể mô tả cho những thành phần khác nữa, không nhất thiết phải là động từ. Còn mô tả cho cái gì thì mình sẽ nói sau cho các bạn. Trước mắt, các bạn cứ biết rằng câu đã đầy đủ rồi thì người ta có thể mô tả thêm cho nó bằng cách dùng hai loại từ. Thứ nhất là tính từ, thứ hai là trạng từ. Tính từ dùng để mô tả cho danh từ. Còn lại là dùng trạng từ.

Chúng ta áp dụng trong bài thi TOEIC như sau. Ví dụ như trong bài thi TOEIC, bạn gặp một câu như thế này.

Bạn đọc là bạn thấy nó đầy đủ rồi. Đây là “bữa tiệc đã kết thúc”. Câu đầy đủ hết rồi. Người ta bắt các bạn chọn thêm một chữ vào chỗ trống. Rõ ràng nó dùng để mô tả thêm cho câu: Bữa tiệc “như thế nào đó” đã kết thúc. Chúng ta thấy rõ ràng chữ cần điền phải mô tả cho danh từ party vì đây là một cụm danh từ. Chữ cần điền nằm trong một cụm danh từ thì nó phải mô tả cho danh từ party phía sau. Mình đang cần một chữ để mô tả danh từ thì nó phải là tính từ. Như mình mới vừa nói, mô tả cho danh từ là tính từ. Nên ở chỗ trống, chúng ta chọn đáp án là tính từ. Chúng ta chọn đáp án có đuôi ful – tính từ vào.

Rồi chúng ta gặp câu này.

Câu này cũng đầy đủ hết rồi – “Bữa tiệc đã kết thúc”. Bây giờ người ta bắt chọn thêm một chữ vào đây, rõ ràng để mô tả thêm cho câu: Bữa tiệc kết thúc “như thế nào”. Chữ cần điền này không mô tả cho “bữa tiệc” nữa mà nó mô tả cho hành động “kết thúc” – Bữa tiệc kết thúc “như thế nào”. Như mình đã nói, mô tả cho những thành phần khác ngoài danh từ thì dùng trạng từ, mô tả cho động từ thì dùng trạng từ. Cho nên chúng ta chọn đáp án (D) đuôi ly – trạng từ successfully.

Tóm lại, trong bài thi TOEIC, khi nào bạn thấy một câu đầy đủ các thành phần, đọc là thấy hiểu nghĩa rồi, không cần thêm gì hết cũng hiểu nghĩa rồi thì bạn xét: Nếu bạn thấy chỗ trống nằm trước danh từ chính thì chọn tính từ.

Như câu này, nếu câu đầy đủ hết rồi mà chỗ trống nằm trước danh từ chính thì ta chọn tính từ.

Tương tự như trong bài về “Vị trí trước danh từ chính” mà mình đã có nói: “Trước danh từ chính thì chúng ta chọn tính từ”. Tất cả những trường hợp còn lại thì chúng ta chọn trạng từ. Đây là hai bước.

Hay nói cách khác, nếu thấy câu đó đã đầy đủ các thành phần cần thiết rồi thì cứ chọn trạng từ, trừ trường hợp trước danh từ chính. Vì trong trường hợp đó thì ta chọn tính từ. Đây là nguyên tắc để biết cách xác định vị trí trạng từ trong câu.

Chúng ta hãy cùng làm một vài ví dụ.

Như câu này, phía trước là We – “chúng tôi”. Còn chữ apologize nếu không biết nghĩa thì chúng ta cũng biết đó là động từ. Chữ có đuôi -ize sẽ là động từ như mình có nói. Ví dụ như chúng ta có chữ organize – “tổ chức”. Đây là chữ quen thuộc với chúng ta. Apologize có đuôi -ize giống đuôi của động từ “tổ chức”. Do đây là động từ nên bạn thấy câu này đầy đủ rồi: “Chúng tôi làm gì đó cho cái gì đó”. Ở đây bạn không cần điền gì vào chỗ trống thì người ta cũng hiểu nghĩa câu này rồi: “Chúng tôi làm gì đó cho cái gì đó”. Vậy chúng ta chọn trạng từ để mô tả thêm cho apologize: Chúng tôi apologize “một cách như thế nào đó”.

Như câu này, phía trước là tên người, Dr. James Hansen. Đứng sau là động từ to be – “ông đó thì…”. Phía sau nữa là động từ V-ed. Như hôm trước mình đã nói, động từ dạng V-ed sẽ đóng vai trò làm tính từ khi đi với động từ to be. Tức là “ông đó có tính chất này”. Mà tính từ dạng V-ed thường mang nghĩa bị động. Tức là ông đó “bị người ta làm gì đó”. Câu này cũng đầy đủ rồi. Ở đây ta không cần điền gì hết cũng hiểu nghĩa: “ông đó bị người ta làm gì đó như là gì đó” v.v. Vậy rõ ràng chúng ta chọn trạng từ vào đây. Đáp án là câu B, để nó mô tả cho regard: “Ông đó bị người ta làm việc đó một cách như thế nào đó.

Trong câu này, phía trước chúng ta thấy có has, rồi phía sau là động từ dạng V-ed. Rõ ràng là cấu trúc của thì hiện tại hoàn thành – “đã làm gì đó”. Vậy câu này cũng đầy đủ rồi: “cái gì đó đã làm gì đó”. Chúng ta chọn trạng từ vào chỗ trống để mô tả cho động từ improve. “Nó đã làm hành động đó một cách như thế nào đó”.

Câu này có động từ to be, và động từ dạng V-ed giống lúc nãy. Câu này nghĩa là the question asked for candidate “đã được người ta làm gì đó”. Câu này cũng đầy đủ rồi. Ở đây nếu bạn thử không chọn gì vào chỗ trống thì người ta cũng hiểu the question asked for candidate “được người ta làm gì đó”. Vậy chúng ta chọn trạng từ vào để mô tả thêm cho answer. Nó được người ta làm hành động answer này “một cách như thế nào”.

Đối với câu này, chúng ta đọc sơ qua là chúng ta thấy: Nếu bạn participate in online forums hoặc attend – “tham dự”, là chữ quan trọng. Events – “những sự kiện”, đây cũng là chữ quan trọng. Tức là nếu bạn participate in online forums hay bạn “tham dự những sự kiện”, bạn sẽ “như thế nào đó”. Câu này cũng đầy đủ rồi. Ở đây ta không cần điền thì vẫn hiểu nghĩa. Vậy ở đây ta cần một chữ để mô tả thêm cho attend events – “tham dự các sự kiện một cách như thế nào đó”. Cụ thể là nó mô tả cho động từ “tham dự” – tham dự “một cách như thế nào”. Rõ ràng chúng ta chọn trạng từ vào.

Đó là nguyên tắc chọn trạng từ: Cứ thấy câu đầy đủ rồi thì chúng ta chọn trạng từ vào trừ trường hợp trước danh từ chính.

Nhưng các bạn chú ý là trong bài thi TOEIC, có nhiều câu khó hơn như vậy. Mình mới cho những ví dụ dễ chứ có nhiều câu khó hơn. Có nhiều câu các bạn khó mà thấy được câu đầy đủ rồi hay chưa. Có nhiều câu các bạn sẽ nhầm lẫn, không biết chọn trạng từ hay chọn những loại từ khác.

Trong các bài sau, để giúp cho các bạn dễ hiểu hơn, mình sẽ tổng hợp lại tất cả các vị trí chọn trạng từ trong bài thi TOEIC. Mình sẽ nói về tỷ lệ xuất hiện của vị trí đó, đưa ra những ví dụ đơn giản và ví dụ thực tế trong bài thi TOEIC. Và trong các bài sau nữa, mình sẽ chỉ ra những trường hợp dễ gây nhầm lẫn để các bạn biết mà tránh.

  • thannhung viết:

    Cảm ơn thầy rất nhiều. Mong thầy có thêm những bài giảng về phần điền từ vào đoạn văn và phần đọc hiểu. Chúc thầy luôn mạnh khỏe.

  • thao viết:

    Thầy giảng rất dễ nhớ, cám ơn thầy nhiều lắm. mong thầy có thể làm clip chỉ phần part 7, đoạn văn rất dài, các chủ đề và từ vựng thường ra ở part 7 ạ. ^^

  • Thành Trung viết:

    Em cám ơn Thầy rất rất nhiều. Nhớ có những clips của Thầy mà nó giúp e thật sự hiểu tiếng anh và có thể làm bạn với nó. 🙂

Bình Luận

  • Liên kết

  • Thông tin liên lạc

    Email: toeicmoingay@gmail.com