117. Dạng câu từ vựng: all employees, including the manager = tất cả nhân viên, bao gồm cả quản lý
118. Dạng câu từ vựng: has always lived in… = đã luôn sống trong…
119. Dạng câu 4 wh: vị trí chọn đại từ quan hệ who.
120. Dạng câu từ vựng: has finally opened = cuối cùng đã mở cửa
121. Dạng câu từ vựng: interact with others = tương tác với những người khác
122. Dạng câu từ vựng: a younger audience = những khán giả trẻ tuổi hơn
123. Dạng câu từ loại: vị trí chọn danh từ – chọn V-ing đóng vai trò là danh từ hay chọn danh từ thường?
124. Dạng câu từ loại: vị trí chọn động từ – xét chủ động hay bị động.
Câu 117
Chúng ta xét nghĩa câu này thì chúng ta sẽ hoàn thành câu này rất dễ dàng: All employees in the accounting department of Polaui Travel, …… the manager, will be attending the training session tomorrow – “Tất cả nhân viên trong cái gì đó, …… người quản lý, sẽ làm gì đó”. Ta thấy trong bốn đáp án có chữ including – “bao gồm”. Rõ ràng chúng ta thấy including rất hợp lý: Rõ ràng “Tất cả nhân viên… bao gồm cả quản lý sẽ làm gì đó”.
Nếu chúng ta xét ngữ pháp: among – “giữa”, luôn đi với danh từ số nhiều. Ví dụ: the manager is among the employees who will… – “người quản lý thì ở giữa những người nhân viên mà sẽ làm gì đó…”. Tức là “người quản lý trong số những người nhân viên này”. Ở đây manager không phải là danh từ số nhiều nên chúng ta có thể loại nhanh đáp án (A) among. Còn together muốn đi với một cụm danh từ phía sau thì nó phải có giới từ with: together with sth – “cùng với cái gì đó”. Sau chỗ trống không có giới từ with nên bạn có thể loại together. Because – “bởi vì”, đi với một câu có chủ ngữ và vị ngữ, chứ không đi với cụm danh từ như chữ manager ở trên, nên chúng ta loại đáp án (D) because. Chỉ có đáp án (B) including mới hợp lý cả về nghĩa và ngữ pháp.
Câu 118
Câu này có bốn đáp án là những trạng từ đặc biệt: ever, quickly, yet, always nên chúng ta cần phải xét nghĩa để chọn: Thomas Schilling has …… lived in the house – “Thomas Schilling đã sống trong căn nhà gì đó”. Chỗ trống cần một trạng từ để mô tả cho chữ lived: “đã sống như thế nào trong căn nhà này”. Rất nhiều bạn làm sai câu này vì chọn nhầm chữ ever – “đã từng”: Thomas Schilling has ever lived in the house – “Ông này đã từng sống trong căn nhà này”. Ever đúng là có nghĩa “đã từng” nhưng nó chỉ dùng trong câu hỏi hoặc câu phủ định thôi.
Mình tra nghĩa chữ ever trong từ điển cho các bạn tham khảo: used in negative sentences and questions – “dùng trong những câu phủ định và những câu hỏi”. Ví dụ như: Have you ever been to Rome? – “Bạn đã từng đến thành phố Rome chưa?”. Hoặc ví dụ như Has he even lived in that house? – “Anh ấy đã từng sống ở trong căn nhà đó chưa?”. Đây là câu khẳng định nên bạn không dùng ever.
Yet cũng dùng trong câu hỏi hoặc câu phủ định. Ví dụ như: He hasn’t lived here yet – “Anh ấy vẫn chưa sống ở đây”. Yet có nghĩa là “vẫn chưa làm gì đó” nên nó hay đi với câu phủ định. Chứ yet không đi với câu khẳng định như câu trên. Chúng ta không chọn đáp án yet.
Nên chúng ta chỉ còn lại always vì rõ ràng nghĩa của quickly không phù hợp. Always có nghĩa là “luôn luôn”. Một số bạn không chọn đáp án always vì nghĩ chữ này chỉ dùng trong thì hiện tại đơn, nhưng always không nhất thiết phải dùng ở thì đó. Chúng ta có thể tham khảo chữ always trong từ điển.
Đầu tiên always có nghĩa at all times – “tại mọi lúc” thì đúng là always dùng trong thì hiện tại đơn. Ví dụ: She always arrives at 7.30 – “Cô ấy luôn luôn đến vào 7.30”. Câu này diễn tả một sự thật nên nó ở thì hiện tại đơn.
Nhưng always còn có nghĩa for a long time, – “trong một thời gian dài”, hoặc since you can remember – “từ lúc bạn có thể nhớ”. Tức là always diễn tả “sự việc luôn diễn ra từ trước đến giờ”, “luôn luôn diễn ra như vậy”, “đã như vậy lâu lắm rồi”. Ví dụ: Pat has always loved gardening – “Ông Pat luôn luôn thích việc làm vườn”. Tức là “trước đến giờ ông ta luôn thích việc làm vườn, thích trong một thời gian lâu dài cho đến bây giờ”. Always có thể được dùng trong thì hiện tại hoàn thành để diễn tả hành động đã diễn ra từ lâu và kéo dài cho đến hiện tại.
Nên ở đây việc chúng ta chọn chữ always vào chỗ trống rất hợp lý: Thomas Schilling has always lived in the house – “Ông này đã luôn sống trong căn nhà này”. Nên đáp án always hợp lý.
Câu 119
Câu này rất dễ. Rất ít bạn làm sai câu này. Phía trước chỗ trống là một cụm danh từ employees, phía sau chỗ trống là động từ are looking, thì rõ ràng chúng ta chọn những đáp án như which, who, that… có nghĩa là “mà” vào chỗ trống ở giữa. Đáp án (B) có who nên chúng ta chọn who để điền vào chỗ trống: Golden World employees who are looking – “Những người nhân viên mà đang tìm kiếm gì đó…”.
Câu 120
Câu này có bốn đáp án là bốn trạng từ khác nhau: shortly, closely, finally, annually. Rõ ràng chúng ta cần phải xét nghĩa: After months of extensive renovations, the Lincoln Museum has …… reopened to residents – “Sau nhiều tháng gì đó, viện bảo tàng này đã mở lại đối với cái gì đó”. Rõ ràng chúng ta thấy đáp án hợp lý là chữ finally – “cuối cùng”. Tức là “sau thời gian nhiều tháng, cuối cùng thì viện bảo tàng đã mở trở lại cho người ta”. Lần sau khi đi thi TOEIC, nếu bạn gặp after ở phía trước, thì cho dù bạn không hiểu nghĩa bạn cũng nên chọn finally ở phía sau. Người ta hay dùng after và finally đi với nhau. Ví dụ như “Sau một thời gian dài học tập, cuối cùng anh ấy cũng đã tốt nghiệp”. Hay “Sau một thời gian đàm phán, cuối cùng hợp đồng đã được ký kết”.
Rất nhiều bạn làm sai câu này do chọn chữ annually – “hàng năm”. Rõ ràng ở đây annually sai về nghĩa: “Bảo tàng đã đóng cửa trong nhiều tháng rồi, và cuối cùng đã mở cửa lại”. Hành động này chỉ diễn ra một lần thôi, chứ không phải diễn ra hàng năm. Annually thường dùng với thì hiện tại đơn. Ví dụ: the exhibit opens annually – “Triển lãm mở hàng năm”. Lúc đó chúng ta mới dùng annually. Chúng ta không dùng annually trong câu này.
Câu 121
Bạn cần phải xét nghĩa của câu này: to …… – “để làm gì đó”. Nên chỗ trống là một động từ: to do sth. Phía sau chỗ trống là with others. Others đứng riêng một mình có nghĩa là “những thứ gì khác, những người gì khác”. Câu này chúng ta chọn đáp án nào?
Face – “đối mặt”, nhiều bạn làm sai vì chọn đáp án này: face with others – “đối mặt với những cái gì đó khác”. Nhưng bạn đã sai rồi, face không đi với giới từ with, face đi liền với cụm danh từ. Ví dụ: We must face these difficulties – “Chúng ta phải đối mặt với những khó khăn này”. Mặc dù chúng ta dịch ra tiếng Việt là “đối mặt với” nhưng trong tiếng Anh face không đi cùng với with mà đi liền luôn với cụm danh từ – face sth – “đối mặt với cái gì đó”. Nên ở đây chúng ta không chọn face.
Tuy nhiên, có một trường hợp face đi với with, nhưng khi đó câu phải ở thể bị động: We are faced with difficulties – “Chúng ta bị đối mặt với những khó khăn”. Câu này hơi khó hiểu trong tiếng Việt nhưng đây là cách dùng của face trong tiếng Anh. Đại khái bạn hiểu là “sự khó khăn này đối mặt với chúng ta”. Trong trường hợp đó chúng ta mới dùng face đi với with.
Mình tham khảo từ điển để cho các bạn thấy cách dùng của face: face sb/sth difficult – “đối mặt với cái gì đó/ai đó khó khăn”. Thứ nhất là face phải đi với sth, phải có một danh từ ở phía sau. Ví dụ: The company is facing a financial crisis – “Công ty phải đối mặt với một khủng hoảng về tài chính”. Face đi liền với cụm danh từ ở phía sau và không có with ở đây. Nếu face đi với with thì câu phải ở thể bị động như thế này: be faced with sth. Chúng ta xét ví dụ: She’s faced with a difficult decision – “Cô ấy bị đối mặt với một quyết định khó khăn”, hoặc nôm na là “Quyết định khó khăn đối mặt với cô ấy”. Nên chúng ta không thể điền đáp án face vào chỗ trống. Face ở thể chủ động không đi với with, còn nếu face đi với with thì câu phải ở thể bị động.
Familiarize đây là chữ quan trọng trong bài thi TOEIC. Đây là động từ của tính từ familiar – “quen thuộc”. Các bạn cứ nhớ là family là “gia đình” – những người trong gia đình thì phải quen biết nhau – nên chúng ta cứ ghi nhớ familiar là “quen thuộc”. Familiarize là động từ, có nghĩa là “làm cho quen”. Chữ này cũng không đi liền với with. Cách dùng của nó là familiarize yourself/myself/himself… + with sth – “làm cho chính mình/chính bạn/chính anh ta… trở nên quen thuộc với thứ gì đó”, tức là “làm quen với cái thứ gì đó”. Nhưng familiarize cần phải có yourself/myself/himself rồi mới đến with chứ chúng ta không thể dùng familiarize đi liền với with. Nên chúng ta cũng không dùng familiarize trong câu này. Các bạn ráng ghi nhớ cách dùng familiarize này vì bạn hay gặp nó trong bài thi TOEIC.
Vậy đáp án đúng chỉ có thể là một trong hai đáp án (C) và (D).
Interact có act là “hành động”, phía trước có tiền tố inter-. Ví dụ chúng ta có internet – “mạng lưới liên kết với nhau”, international – “nhiều quốc gia liên kết với nhau”, “quốc tế”. Nên những chữ nào có tiền tố inter- thì có nghĩa là “liên kết với nhau”, “hướng về nhau”. Rõ ràng interact – “hành động hướng về nhau”, tức là “tương tác”. Chữ này đi với with: interact with sb/sth nghĩa là “tương tác với ai đó/cái gì đó”. Đáp án là câu (C) interact: interact with others effectively – “tương tác với những người khác một cách hiệu quả”.
Câu 122
Chúng ta cũng cần phải xét nghĩa của câu này. Nghĩa của câu này rất đơn giản: to a younger …… – “đối với cái gì đó có tính chất trẻ hơn”. Trong bốn đáp án chỉ có đáp án (B) audience – “khán giả” mới có thể “trẻ hơn”: a younger audience – “một khán giả trẻ hơn”. Những đáp án kia không thể “trẻ hơn”. Collection là “bộ sưu tập” hay “sự thu thập” thì không thể có tính chất “già” hay “trẻ”, danh từ preference bắt nguồn từ chữ prefer – “ưa thích”, có nghĩa là “sự ưa thích” hay “sự ưa chuộng” nên cũng không thể “trẻ hơn”. Chúng ta không chọn đáp án (A) collection, (C) preference và (D) concentration.
Câu 123
Câu này có bốn đáp án là bốn loại từ khác nhau: to delay, delayed, delaying, delays. Đầu tiên, chúng ta thấy trước chỗ trống là động từ to cause – “để cause”. Sau động từ có thể là một trạng từ để mô tả cho động từ –cause “một cách như thế nào đó” nhưng trong bốn đáp án không có trạng từ. Vậy chỗ trống chỉ có thể là danh từ vì sau động từ chỉ có thể là trạng từ hoặc danh từ: cause …… in the deliveries of supplies – cause “cái gì đó trong những cái sự gì đó”. Chúng ta cần điền danh từ vào chỗ trống nên chúng ta loại ngay đáp án (B), động từ ở dạng V-ed không bao giờ đóng vai trò làm danh từ. Một động từ dạng to-V cũng không thể đóng vai trò làm danh từ nên chúng ta không chọn đáp án (A) to delay. Động từ V-ing có thể đóng vai trò làm danh từ nên nhiều bạn sai do chọn đáp án (C) delaying. Đúng là V-ing có thể đóng vai trò làm danh từ, nhưng cách dùng của V-ing đóng vai trò làm danh từ đã được mình nói đến trong bài trước. Ví dụ như:
You invite my friends – “Bạn mời các bạn của tôi”.
Thank you for inviting my friends – “Cám ơn bạn cho cái việc mời của tôi”, inviting là động từ invite ở dạng V-ing đóng vai trò làm danh từ nên phải đi với danh từ chỉ người giống như động từ invite ở trên.
Tóm lại, lần sau bạn muốn dùng động từ ở dạng V-ing đóng vai trò làm danh từ: nếu động từ thường dùng như thế nào thì động từ ở dạng V-ing đóng vai trò làm danh từ cũng phải dùng y như vậy. Invite cần có danh từ phía sau – “mời ai” thì inviting cũng vậy – “việc mời ai”. Vì bản chất của inviting là một động từ nên nó phải dùng giống như động từ thường invite.
Nên bạn không được chọn delaying trong câu này. Nếu bạn muốn dùng delaying đóng vai trò làm danh từ thì như mình mới vừa nói, bạn cũng phải dùng y như động từ thường delay. Chúng ta tham khảo thêm từ điển để biết cách dùng của delay.
Ví dụ: Don’t delay! – “Đừng có trì hoãn”. Hay ví dụ chúng ta nói You shouldn’t delay – “Bạn không nên trì hoãn”. Phía sau delay không có gì hết.
Thứ hai là bạn thấy delay đi với sth – “danh từ” ở phía sau. Ví dụ như mình nói They delayed the meeting – “Họ đã trì hoãn cuộc họp”. Cách dùng của delay như thế nào thì danh từ delaying đóng vai trò làm danh từ cũng phải được dùng tương tự như vậy. Ví dụ: He was blamed for delaying the meeting – “Anh ấy bị chỉ trích cho việc trì hoãn cuộc họp”. Ở đây delay đi với cụm danh từ the meeting ở phía sau – “trì hoãn cuộc họp” thì delaying ở dạng V-ing đóng vai trò làm danh từ cũng có cụm danh từ the meeting ở phía sau – “việc trì hoãn cuộc họp”. Còn không thì không có từ nào được đứng phía sau delaying: He was blamed for delaying – “Anh ấy bị chỉ trích cho việc trì hoãn” tương tự với trường hợp You shouldn’t delay. Bạn thấy phía sau chỗ trống là giới từ in mà cách dùng của động từ delay thì không đi với in. Chúng ta không thể nói delay in sth. Nên delaying ở dạng V-ing đóng vai trò làm danh từ cũng không thể dùng delaying in sth. Nên bạn không thể chọn delaying vào chỗ trống mà bạn phải chọn đáp án khác. Ở đây chúng ta chỉ còn lại đáp án (D) delays, nhìn rất giống như đây là động từ thêm đuôi -s. Nhưng có rất nhiều chữ vừa là động từ vừa là danh từ, ví dụ như use vừa là “sử dụng” vừa là “việc sử dụng”, increase vừa là “tăng” vừa là “sự gia tăng”. Vì bạn loại trừ các đáp án khác nên chỉ còn đáp án (D) delays là hợp lý. Delay có thể vừa là động từ vừa là danh từ. Chúng ta tham khảo từ điển để xác nhận: delay vừa là động từ “trì hoãn”, vừa là danh từ “sự trì hoãn” nên delays chính là đáp án. Chúng ta chọn danh từ vào chỗ trống nên đáp án là câu (D) delays.
Câu 124
Đối với câu này, trước chỗ trống là động từ to be, nên chúng ta chỉ có thể chọn động từ dạng V-ing hoặc V-ed vào chỗ trống. Sau động từ to be có thể là tính từ nhưng đáp án không có chữ nào có đuôi tính từ. Nên chúng ta chọn hoặc là động từ dạng V-ing hoặc là động từ dạng V-ed.
…is + V-ing – cấu trúc của thì hiện tại tiếp diễn: is dedicating – “đang dedicate”.
…is + V-ed – cấu trúc của thể bị động: is dedicated – “được/bị dedicate”.
Cơ bản hai đáp án (B) và (C) khác nhau: (B) dedicating là thể chủ động còn (C) dedicated là thể bị động.
Ban xét nguyên tắc: Nếu chúng ta muốn dùng chủ động, thì thường phải có một cụm danh từ phía sau. Ví dụ như: “Tôi đá ngoài vườn”. Câu như thế này không có nghĩa: “đá cái gì ngoài vườn”. Người ta đọc không hiểu câu này. Nên bạn cần phải có một danh từ sau chữ “đá”: “Tôi đá cục đá ngoài vườn” – cần có cụm danh từ “cục đá”. Đại đa số câu chủ động thường có cấu trúc như thế này: “làm hành động này với cái gì ở phía sau”. Chúng ta thấy phía sau chỗ trống không có cụm danh từ mà là giới từ to: to providing accurate weather predictions – “đối với việc cung cấp gì đó”. Nên bạn đừng chọn thể chủ động, mà chọn thể bị động. Nếu bạn không hiểu nghĩa thì bạn cứ làm như vậy.
Nếu bạn hiểu nghĩa thì không cần phải xét thể chủ động hay thể bị động. Chúng ta có chữ dedicate là chữ khá quan trọng trong bài thi TOEIC. Nó đi với giới từ to: dedicated to sth – “tận tâm đối với việc gì đó”. Nếu bạn muốn làm nhanh thì bạn hãy ghi nhớ cấu trúc này. The team of weather forecasters led by Erin Renski is dedicated to providing accurate weather predictions – “Đội gì đó thì rất tận tâm đối với việc cung cấp cái gì đó”. Đáp án là câu (C) dedicated.