Video này chỉ những dấu hiệu thường gặp trong bài thi TOEIC giúp xác định khi nào chỗ trống cần một danh từ chính.
Chào các bạn, trong video bài giảng trước mình có cho các bạn vài ví dụ về dạng câu từ loại mà chỗ trống là vị trí của một danh từ chính. Và mình đã rút ra cách làm chung cho dạng câu này.Chúng ta làm 3 bước là thứ nhất, xác định chỗ nào bắt đầu một cụm danh từ, thứ hai, xác định rằng cụm danh từ nó “ngắt” ngay ở chỗ trống, thứ ba, xác định đáp án nào là danh từ.
Trong video này mình sẽ nói về những dấu hiệu nhận biết thường gặp để giúp các bạn xác định 3 điều này.
Trước khi nói thì mình có hai điều cần lưu ý. Thứ nhất là trong những cái mình chuẩn bị nói thì đại đa số là mình đã có giảng ở các bài trước rồi. Nếu bạn nào thấy cái gì nghe lạ lạ thì hãy kiếm lại video “Từ loại” và “Cấu trúc chủ ngữ” để xem. Thứ hai là như bài vừa rồi mình đã giải thích, cụm danh từ chính là một “cái gì đó”. Vậy mỗi lần mình nói “cái gì đó” thì bạn hiểu đó là cụm danh từ.
Thứ nhất, dấu hiệu bắt đầu một cụm danh từ.
Thì đây là tất cả những dấu hiệu bắt đầu cụm danh từ thường gặp trong bài thi TOEIC.
Mình đã chia chúng vào những nhóm khác nhau. Trên mỗi nhóm mình có ghi tỷ lệ xuất hiện của các dấu hiệu đó trong dạng câu danh từ chính của bài thi TOEIC để bạn biết cái nào hay gặp hơn, từ đó tập trung vào những cái quan trọng hơn.
Thứ nhất là nhóm a / an / the. Nhóm này người ta gọi là mạo từ. Chúng luôn đứng đầu cụm danh từ nên gặp a / an / the thì chắc chắn bắt đầu một cụm danh từ. Ví dụ như the red house – “căn nhà màu đỏ” hay a red house – “một căn nhà màu đỏ”.
Thứ hai là nhóm động từ. Mình có nói sau động từ đa số là cụm danh từ. Tức là “làm gì đó với cái gì đó”. Ví dụ như chữ has nghĩa là “có” thì “có” phải là “có cái gì đó” như “có một căn phòng lớn”. Cách để bạn nhận biết động từ là bạn có thể nhìn vào những dấu hiệu như to, vì to nghĩa là “để làm gì đó” nên ta biết phía sau nó là động từ. Hay bạn có thể thấy cấu trúc của một thì nào đó. Ví dụ như thấy have đi với động từ dạng V-ed thì biết ngay nó là thì hiện tại hoàn thành, thì biết ngay chỗ đó nghĩa là “đã làm gì đó”, thì biết nó là động từ. Hay bạn thấy những động từ quen thuộc mà ai cũng biết nghĩa như give, increase, have, … Những cái này mình sẽ chỉ các bạn thêm khi chúng ta làm bài tập trong bài sau.
Thứ ba là nhóm for / in / to / of / with / under / among / without / during /… Những chữ này nghĩa là “cho / trong / đến / của hay liên quan đến / với / dưới / giữa / không có / trong suốt /…” Nhóm này người ta gọi là giới từ. Thì giới từ là từ luôn đi trước cụm danh từ cho nên gặp nó thì chắc chắn phía sau có cụm danh từ. Ví dụ như for nghĩa là “cho” thì phải là “cho cái gì đó” ha. Hay during nghĩa là “trong suốt” thì phải là “trong suốt cái gì đó”.
Thứ tư là nhóm ‘s / your / their / his / her / its / our / my /… Những chữ này nghĩa là “của cái gì đó / của bạn / của họ / của anh ấy / của cô ấy / …” Nhóm này người ta gọi là tính từ sở hữu, thuộc loại từ hạn định mà mình có nói rồi. Những chữ này luôn bắt đầu cụm danh từ ví dụ như Tom mà có ‘s phía sau thì nghĩa là “của Tom”. Đây là “con mèo trắng của Tom”. Hay your là “của bạn” thì ta có “cái gì đó của bạn”.
Thứ năm là nhóm all / any / one / several / no / much / a few / many / … Những chữ này có nghĩa là “tất cả / bất kỳ / một hay hai, ba… / một vài / không / nhiều / …” Nhóm này nói chung là những từ dùng để chỉ số lượng. Chúng luôn đi với một danh từ phía sau. Ví dụ như all companies là “tất cả những công ty” hay any… là “bất kỳ cái gì đó”
Thứ sáu là vị trí đầu câu. Rõ ràng như mình đã nói thì trong một câu có chủ ngữ và vị ngữ. Mà chủ ngữ của câu thì phải là một cụm danh từ. Vì một câu là phải nói về cái gì đó: “cái gì đó làm gì đó” hay “cái gì đó thì như thế nào đó”.
Thứ bảy là sau chữ and. Ta biết and dùng để nối hai thành phần tương đương với nhau. Cho nên phía trước and mà là một cụm danh từ thì phía sau nó cũng phải là cụm danh từ. Ví dụ như câu này: We need food and water. “Chúng ta cần thức ăn và nước”. “Chúng ta cần cái gì đó và cái gì đó”.
Cuối cùng là nhóm that / because / until / although / how / … Nhóm này người ta gọi là liên từ, là những chữ bắt đầu một câu. Thì như mình mới nói xong ở bên này, đầu câu có một cụm danh từ nên sau những chữ này cũng là một cụm danh từ luôn. Ví dụ như “bởi vì cái gì đó làm gì đó”.
Đó là những dấu hiệu bắt đầu cụm danh từ thường gặp trong bài thi TOEIC. Lần sau bạn gặp những chữ này là biết đang bắt đầu một cụm danh từ.
Thứ hai, dấu hiệu một “cái gì đó” nó kết thúc.
Thứ nhất là nhóm giới từ mà lúc nãy mình có nói. Phía trước một giới từ mà có một cụm danh từ thì cụm danh từ đó nó sẽ “ngắt” ngay trước giới từ đó. Ví dụ như the door of the house – “cái cửa của căn nhà” hay “cái gì đó của cái gì đó” thì cụm danh từ phía trước nó phải “ngắt” ngay chỗ này. Tức là “cái gì đó” phía trước nó phải kết thúc tại đây.
Thứ hai là dấu chấm hay dấu phẩy. Thì rõ ràng là là dấu chấm hay dấu phẩy nó kết thúc một ý hay một câu. Vì vậy nếu đang có cụm danh từ thì nó phải kết thúc tại đó luôn.
Thứ ba là động từ. Giả dụ chúng ta đang có một cụm danh từ “cái gì đó” xong rồi ta gặp một động từ phía sau thì rõ ràng là cụm danh từ nó “ngắt” ngay tại đó. “Cái gì đó làm gì đó”. Ví dụ như the… cat sleeps – “con mèo gì đó thì ngủ”. Rõ ràng cụm danh từ “con mèo” phải kết thúc tại đây.
Thứ tư là chữ that hay chữ which. Hai chữ này nghĩa là “mà”. Ta biết là sau danh từ chính có thể có những thành phần để mô tả cho nó. Một trong những thành phần đó gọi là mệnh đề quan hệ. Ví dụ như mình nói the boy that wears the black coat – “thằng bé mà mặc áo khoác màu đen” thì phần “mà mặc áo màu đen” người ta gọi là mệnh đề quan hệ, dùng để mô tả cho danh từ phía trước. Vậy mỗi lần đang có một cụm danh từ – “cái gì đó” rồi gặp chữ that hay which thì bạn biết là “cái gì đó mà làm gì đó” thì “cái gì đó” phía trước nó kết thúc tại đây.
Thứ năm là trạng từ. Ví dụ như câu the cat ate the fish easily – “con mèo ăn con cá một cách dễ dàng”. Thì chữ “một cách dễ dàng” này là chữ dùng để mô tả cho hành động phía trước. “ăn một cách dễ dàng”. Thì trạng từ nó không phải là thành phần của cụm danh từ. Cho nên nếu ta gặp trạng từ thì danh từ nó phải kết thúc ở phía trước. “làm gì đó với cái gì đó một cách như thế nào đó”.
Thứ sáu là những chữ when hay while. Những chữ này thuộc nhóm liên từ mà lúc nãy mình có nói. Những chữ này bắt đầu một câu mới cho nên nếu có cụm danh từ phía trước thì nó kết thúc ngay phía trước. Ví dụ như She cleaned the floor while he washed the dishes. Cụm danh từ the floor này phải kết thúc ngay trước chữ while.
Cuối cùng là chữ and giống như lúc nãy mình nói. Nó dùng để nối vào với một ý khác nên cụm danh từ phía trước phải kết thúc ở đây. “cái gì đó và cái gì đó”.
Đó là những dấu hiệu giúp nhận biết một cụm danh từ “ngắt” ở đâu. Lần sau bạn gặp những chữ này là biết cụm danh từ “ngắt” ở ngay phía trước. Tức là chỗ đó bạn chọn đáp án nào mà danh từ vào.
Thì bây giờ mình nói qua điều thứ ba, là cách xác định đáp án nào là danh từ. Thì trong bài giới thiệu dạng câu từ loại mình có nói là muốn biết một đáp án là từ loại gì thì ta nhìn vào đuôi phía sau của nó.
Vậy thì đây là những đuôi danh từ thường gặp trong bài thi TOEIC. Mình đã sắp xếp chúng theo tỷ lệ xuất hiện trong bài thi TOEIC mà mình thống kê ra. Đuôi hay gặp nhất là –tion và –sion. Tiếp theo là –er hay –or, là những đuôi danh từ chỉ người. Đuôi –ance có hai cách viết là –ence và –ance. Đuôi –ment cũng là một đuôi hay gặp. Đây là những đuôi mà có một chữ gì đó rồi cộng với y. Động từ dạng V-ing thường ít khi làm danh từ chính nhưng trong một số ít trường hợp đặc biệt ta phải chọn nó. Mìnhh sẽ nói cho bạn sau. Đuôi –tive là –al này thường là tính từ nhưng một số ít trường hợp nó lại là danh từ. Và một số đuôi danh từ ít gặp khác.
Vậy lần sau bạn cứ gặp một chữ có một trong những đuôi này thì biết nó là danh từ.
Làm sao để bạn nhớ những đuôi này thì chỉ cần làm một số bài tập là nhớ ngay. Chúng rất dễ nhớ.
Vậy thì đó là những dấu hiệu giúp cho các bạn làm được câu loại câu danh từ chính.
Trong bài tiếp theo chúng ta sẽ cùng làm một loạt các ví dụ thực tế trong bài thi TOEIC để các bạn làm quen với loại câu này.
Em đang học theo list của thầy dạy. Cảm ơn thầy rất nhiều, video rất hữu ích.
thầy dạy hay quá thầy ơi
CẢM ƠN THẦY !
Dạ thầy vậy vị trí đó sao phân biệt chọn danh từ hay động từ thầy.
Khả năng vị trí đó là động từ là rất thấp nhé em. Nếu trình độ em thấp thì cứ chọn danh từ vào. Còn muốn chắc chắn thì xét nghĩa (dành cho trình độ cao).
Thầy ơi… e nhớ hình như danh từ có cả dạng V-ed nữa nhưng k có trong hướng dẫn của thầy..!
Trong TOEIC không bao giờ đáp án V-ed mà làm danh từ nhé em.